Nằm cạnh dòng sông Sài Gòn, Lái Thiêu không chỉ mang trong mình vẻ đẹp của một vùng đất của cây lành trái ngọt, mà còn là “cái nôi” của nghề gốm truyền thống. Trước sự phát triển của sản phẩm công nghiệp cùng xu hướng tiêu dùng nhanh đã khiến cho gốm sứ thủ công Lái Thiêu qua “thời vàng son”. Tuy nhiên, có những người trẻ chọn giữ gìn cái nghề “chân lấm tay bùn” này và duy trì nét đẹp của gốm xưa. Anh Huỳnh Xuân Huỳnh, chủ lò gốm “Nắng’s Ceramics” là một người như vậy.
Lúc còn ở quê Kiên Giang, những bộ chén dĩa Lái Thiêu dường như là vật dụng không thể thiếu trong gia đình của anh Huỳnh. Có dịp đến Bình Dương và dạo ở nhiều ngôi chợ nhưng vẫn không tìm được những bộ gốm sứ nung củi truyền thống Lái Thiêu, vì vậy khi ghé một số lò gốm ở Tân Phước Khánh, chợ Búng… chàng trai xa lạ này phát hiện nhiều cái hay, từ đó nảy ra ý tưởng gìn giữ nghề thủ công hơn 300 năm tuổi của mảnh đất Lái Thiêu này. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, anh Huỳnh mang hết tất cả hành trang là kiến thức của mình đến Bình Dương để tạo ra “Nắng’s Ceramics”.
Để có thêm kinh nghiệm, ngoài học hỏi từ những thợ làm gốm lâu năm, anh Huỳnh nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống của gốm Lái Thiêu và thêm vào đó chút hiện đại, góc nhìn mới mẻ của người trẻ. Thấy anh quá đam mê, người chủ lò khi giải nghệ đã để lại lò gốm hơn 40 năm tuổi cho anh quản lý. Từ đây, ông chủ lò chỉ mới 27 tuổi này bắt đầu “đưa” gốm Lái Thiêu lên mạng xã hội, hòa nhập cùng thời đại chuyển đổi số. Nhờ vậy mà các sản phẩm thủ công gốm sứ Lái Thiêu tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa màu sắc Nam bộ, như: Hoa sen, hoa mai, rồng phượng, cá chép… của anh Huỳnh được nhiều khách hàng gần xa để ý. Cứ thế không chỉ trong nước mà cái mộc mạc của gốm Lái Thiêu đã vang xa sang tận Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Mỹ…